Kính thưa các quý vị đại biểu,
Kính thưa các quý chuyên gia, nhà khoa học,
Thưa các đồng chí, các anh, chị và các bạn,
Hôm nay, tôi rất vinh dự và phấn khởi tới dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc. Thay mặt Đảng ủy và Lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tôi xin gửi tới các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, người lao động các thế hệ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc lời chúc mừng nồng nhiệt; chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Lễ kỷ niệm là dịp để chúng ta cùng nhau gặp gỡ, ôn lại truyền thống đầy vẻ vang, đáng tự hào, tri ân các thế hệ cán bộ và bàn thảo mở ra trang sử phát triển mới của đơn vị. Sự kiện này được tổ chức trong điều kiện hết sức đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID- 19 nên hôm nay nhiều đại biểu, nhất là các cán bộ của Trung tâm không thể tham dự đông đủ ở đây. Tôi được biết Trung tâm cũng đã cố gắng tối đa để làm sao có thể tri ân được các bác, các anh, chị.
Thưa các đồng chí,
Trong chặng đường 30 năm qua, tiền thân là Trung tâm Địa chất – Khoáng sản biển trực thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, được kiện toàn thành Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển tiếp tục được kiện toàn qua các thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau như: Liên đoàn Địa chất biển, Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển, Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển, sau đó sáp nhập với Trung tâm Quy hoạch, Điều tra, Đánh giá tài nguyên – môi trường biển và hải đảo và đổi tên thành Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích quan trọng trong điều tra cơ bản, tăng cường tiềm lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển.
Nhiều kết quả điều tra, khảo sát của Trung tâm đã được ứng dụng có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo, có giá trị cao trong phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng an ninh. Trong đó, có thể kể đến một số dự án, đề tài tiêu biểu gắn với việc phát triển tiến ra biển sâu, xa bờ của đơn vị như Đề án “Điều tra địa chất, tìm kiếm khoáng sản rắn biển ven bờ (0-30m nước) Việt Nam, tỷ lệ 1/500.000”; Dự án “Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất các vùng biển Việt Nam”; các dự án Chính phủ thuộc Đề án 47 như: “Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất các vùng biển Việt Nam” ở khu vực biển có độ sâu đến 100 m; Dự án “Điều tra đặc điểm địa chất, cấu trúc - địa động lực, hiện trạng môi trường và dự báo tai biến vùng biển Bình Thuận - Cà Mau (đến độ sâu 300m nước), tỉ lệ 1:500.000”; Dự án “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam” (Dự án GH) thực hiện tại vùng biển xa, biển sâu lên đến 3.000 m nước.
Về tăng cường tiềm lực, Trung tâm đã được Bộ và Tổng cục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nhiều máy móc đặc thù phục vụ khảo sát ở vùng biển sâu, biển xa như thiết bị đo sonar (2000-TVD), tổ hợp thiết bị đo địa chấn đa kênh (Seal 428), thiết bị lấy mẫu nguyên dạng (Box Core) và thiết bị lấy mẫu nước biển sâu theo tầng (CTD-Rosette).
Trong lĩnh vực nghiên cứu, Trung tâm đã chủ trì triển khai 42 đề tài trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng chế tạo một số thiết bị. Một số đề tài mang tính ứng dụng cao như Đề tài “Nghiên cứu chế tạo máy từ khảo sát địa chất khoáng sản biển” và Đề tài “Nghiên cứu chế tạo máy phổ gamma đa kênh điều tra địa chất khoáng sản biển”. Tập thể tác giả của các đề tài này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận và vinh danh.
Những thành quả lao động cần cù và sáng tạo của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm đã góp phần xứng đáng vào sự phát triển lĩnh vực biển và hải đảo nói riêng và sự phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung. Tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích và đóng góp quan trọng của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc trong thời gian qua; đồng; thời xin tri ân đến các thế hệ cán bộ của Trung tâm đã làm việc, cống hiến cho sự phát triển của Trung tâm cũng như của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, lĩnh vực biển và hải đảo.
Thưa các đồng chí,
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam đã đề ra mục tiêu “Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật”. Cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 về phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030. Có thể nói đây là những văn bản cực kỳ quan trọng mà Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các đơn vị trực thuộc, trong đó có Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc phải coi là kim chỉ nam hành động. Nhiều dự án, nhiệm vụ được đặt ra trong các văn bản này đã, đang và sẽ được giao cho Trung tâm thực hiện.
Trong bối cảnh tình hình mới, tôi đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, khẩn trương rà soát chức năng, nhiệm vụ, đề xuất kiện toàn cơ cấu tổ chức và hoạt động phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; xây dựng chiến lược phát triển có lộ trình chuyển đổi khoa học, thông minh, sát với thực tiễn, trong đó lưu ý các yêu tố về môi trường chính sách, tác động bên ngoài, chú trọng phạm vi điều tra, nghiên cứu vùng biển sâu, biển xa, kết hợp vùng biển ven bờ, chuyển mạnh sang điều tra, nghiên cứu tổng hợp, đa mục tiêu, phối kết hợp nhiều dự án, nhiệm vụ với đa mục tiêu, nhiều cơ quan, đơn vị, các bên, trong nước và quốc tế; các kết quả điều tra, nghiên cứu cần đưa vào ứng dụng và phục vụ ngay cho các đối tượng khác nhau được khai thác, sử dụng để nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực trong công tác tư vấn lập và triển khai quy hoạch về biển và hải đảo; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ. Xây dựng mạng lưới các cộng tác viên, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác của Trung tâm.
Hai là, tăng cường tiềm lực của Trung tâm, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khảo sát và nghiên cứu khoa học của Trung tâm; tiếp tục chấn chỉnh và sốc lại đội hình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo khối đoàn kết, nhất trí vững chắc, đào tạo lực lượng tại chỗ, thu hút được cán bộ chất lượng cao, có sức khỏe, năng lực, có nhiệt huyết và ngoại ngữ tốt. Từng bước đa dạng việc đầu tư cơ sở vật chất với trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho điều tra, khảo sát, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển. Trung tâm phải phấn đấu luôn là một đơn vị hàng đầu về điều tra, khảo sát tài nguyên và môi trường biển của Việt Nam và khu vực (hãy nhìn JAMSTEC của Nhật Bản để làm tấm gương).
Ba là, đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế để nắm bắt các vấn đề cơ bản của tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu ứng dụng chế tạo thiết bị để đáp ứng một phần nhu cầu trang thiết bị của Trung tâm, tiết kiệm ngân sách nhà nước, tiến tới hợp tác sản xuất thương mại một số trang thiết bị điều tra. Trong đó, tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Trung tâm cần đánh giá bước đầu về kết quả thực hiện một số đề án/dự án lớn (GH, Bình Thuận - Cà Mau); chủ động xây dựng cơ chế phối hợp linh hoạt để phát triển dịch vụ về điều tra, tài nguyên và môi trường biển, tiến tới tự chủ hoàn toàn theo quy định của Nhà nước.
Thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí,
Tôi tin tưởng rằng với truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm, các đồng chí sẽ có bước phát triển mới, chủ động, sáng tạo trong điều tra, khảo sát nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức và hoạt động (phương châm là “cái cũ, cách nhìn và cách làm mới, kết quả sẽ mới”) để không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác, phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước.
Một lần nữa tôi chúc các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động đã và đang công tác tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc cùng gia đình sức khoẻ, hạnh phúc và đạt được nhiều thành công mới.
Xin trân trọng cảm ơn!