Ngày 09/03/2018 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 789/QĐ-BTNMT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc.
Vị trí và chức năng
1. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (sau đây gọi là Cục), có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, điều tra, tài nguyên môi trường biển, phát hiện và đánh giá các nguồn tài nguyên, tiềm năng, lợi thế vùng biển khu vực phía Bắc (từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Phú Yên); thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ trong lĩnh vực biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.
2. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc (sau đây gọi là Trung tâm) có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật; có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Cục trưởng kế hoạch 05 năm, hằng năm của Trung tâm và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Xây dựng và thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu, quan trắc, giám sát tổng hợp về tài nguyên, môi trường vùng biển ven bờ, vùng bờ khu vực phía Bắc; vùng biển sâu, xa bờ theo phân công của Cục trưởng gồm:
a) Điều tra, khảo sát, đánh giá tổng hợp tiềm năng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đánh giá hiện trạng sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; lập bản đồ chuyên đề biển và hải đảo;
b) Thống kê, phân loại, đánh giá tiềm năng của các vùng biển, hải đảo; tổng hợp, đánh giá biến động tài nguyên biển và hải đảo; nghiên cứu, đánh giá giá trị dịch vụ các hệ sinh thái biển và vùng bờ để đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;
c) Điều tra, khảo sát, đánh giá về điều kiện tự nhiên, các yếu tố có tác động đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (điều kiện địa chất, địa kỹ thuật, địa hình, địa mạo, thủy - thạch động lực, địa vật lý, trầm tích, cấu trúc - địa động lực, tiến hóa vùng bờ);
d) Điều tra, tổng hợp, đánh giá hiện trạng và dự báo các dạng tai biến tự nhiên như: sụt lở đáy biển, xói lở, bồi tụ bờ biển, thoát khí từ đáy biển; đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của hệ thống tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do tác động của các tai biến tự nhiên, biến đổi khí hậu toàn cầu, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên;
đ) Khảo sát, điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải ở vùng bờ, từ các hoạt động trên biển và hải đảo; đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; phối hợp thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ các lưu vực sông ra biển;
e) Điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của các khu vực biển và hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; xác định các khu vực biển và hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải;
g) Định kỳ, đột xuất quan trắc môi trường nước, trầm tích, xói lở, bồi tụ bờ biển, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức thực hiện điều tra và nghiên cứu phục vụ lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch sử dụng biển của cả nước theo phân công của Cục trưởng.
4. Điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng rác thải nhựa đại dương; lập báo cáo hiện trạng rác thải nhựa đại dương theo phân công của Cục trưởng.
5. Thực hiện các nhiệm vụ phục vụ: chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh, lập danh mục phân loại hải đảo, các hoạt động giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển theo phân công của Cục trưởng.
6. Thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về: quản lý tổng hợp vùng bờ, quy hoạch, phân vùng sử dụng biển, vùng bờ và hải đảo, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường; nghiên cứu, thăm dò, điều tra, đánh giá tài nguyên, môi trường, quan trắc, giám sát tổng hợp biển và hải đảo; đánh giá điều kiện tự nhiên và tai biến tự nhiên phục vụ thiết kế, xây dựng công trình biển; xử lý, khắc phục, đánh giá tác động tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, các hệ sinh thái biển và hải đảo; điều tra, đánh giá năng lượng tái tạo biển; lập hồ sơ xin cấp phép nhận chìm ở biển, giao khu vực biển, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; lập hồ sơ tài nguyên hải đảo; chuyển giao công nghệ, nghiệp vụ về điều tra tài nguyên, môi trường biển phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội khác cho các đối tác trong và ngoài nước; đo đạc, bản đồ; lập bản đồ chuyên đề về biển và hải đảo và các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ về quy hoạch, quản lý tổng hợp, điều tra tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên các vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế theo quy định của pháp luật.
8. Tiếp nhận và ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị phục vụ các đề án, dự án, nhiệm vụ về quy hoạch, điều tra tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trực tiếp quản lý, khai thác các công trình, phương tiện, thiết bị của Trung tâm được trang bị để phục vụ các dự án, đề án, nhiệm vụ quy hoạch và điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.
9. Quản lý tổ chức, vị trí việc làm, số lượng người làm việc; viên chức, lao động hợp đồng, tài chính, tài sản thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; thực hiện trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam giao.