BÁO ĐỘNG HIỆN TRẠNG RÁC THẢI NHỰA
Hiện nay, các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Mặt khác, rác thải nhựa ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và sinh vật biển, có khi là cả chuỗi thức ăn của con người và thực trạng lạm dụng sử dụng đồ nhựa, hiện đang là vấn đề nóng hổi. Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi hộ gia đình Việt Nam thải ra hơn 1 túi nylon mỗi ngày và hàng triệu túi nylon được sử dụng thải ra môi trường hàng ngày.
Vấn đề trên cho thấy, hiểm họa đại dương vì rác thải nhựa là không thể tránh khỏi. Theo đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố năm 2018, Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới, trong đó 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền.
Đáng lo ngại là phần lớn do khách du lịch chưa có ý thức trong hành trình đi du lịch của mình và người dân sinh sống ven biển chưa có nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của ô nhiễm rác thải nhựa sẽ tác động tới vùng biển như thế nào.
Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại các địa điểm du lịch nổi tiếng về sự ô nhiễm môi trường tăng lên ở mức báo động. Có thể kể đến tại Hải Phòng, ở các khu vực biển thuộc Cát Bà mỗi ngày công nhân đều thu gom lượng lớn rác thải trôi nổi khắp mặt vịnh, các bãi tắm; bãi biển Đồ Sơn, những chai nhựa, túi nilon... theo sóng trôi dạt dọc bãi cát vàng, làm mất mỹ quan khu du lịch...; bên cạnh đó chất thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ trôi nổi của người dân trên biển.
Hình ảnh rác thải ở bãi biển Việt Nam
Đây cũng là tình trạng chung của tất cả các bãi biển hiện nay ở Việt Nam. Chính sự thiếu ý thức của con người đã biến những địa điểm du lịch tuyệt đẹp trở thành “điểm đen” về môi trường sống.
Để đối phó với vấn đề nan giải này, Bộ TN&MT cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng như: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và xuyên biên giới. Tuy nhiên, chất thải nhựa mới chỉ được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định riêng, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải nhựa trên biển. Nhưng ở thời điểm hiện tại thực sự là chưa đủ. Vì vậy, ý thức của mỗi cá nhân và cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường biển là rất quan trọng./.