Hành hương về nguồn nhân dịp đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hoá của Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển. Nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu (2017), Trung tâm Điều tra tài nguyên môi trường biển đã tổ chức chuyến hành hương về viếng danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm, để tìm hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của ông.
Ngày 12/02/2017, vượt qua hơn 120km, Đoàn thăm quan đã về đến Khu di tích đền thờ Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm tại làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng. Một quần thể kiến trúc cổ kính, trang nghiêm nằm giữa cánh đồng rộng và thoáng đãng. Nơi đây thực sự là một điểm đến văn hoá đặc sắc của du khách thập phương khi đặt chân lên mảnh đất Cảng – Hải Phòng. Năm 1991, Di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Ngày 07/01/2016, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân đã trao Bằng công nhận “Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là khu di tích quốc gia đặc biệt” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo thành phố Hải Phòng.
Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ, các môn sinh kính trọng ông đã tôn là Tuyết Giang phu tử, sinh tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Ông nổi tiếng là nhà thơ, nhà giáo, nhà hiền triết, “cây đại thụ” trong nền văn học nước nhà thế kỷ XVI.
Nói đến Nguyễn Bỉnh Khiêm là nói đến một nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà tư tưởng lỗi lạc, vị danh sư, bậc hiền triết, một nhân cách lớn được rất nhiều người tôn kính. Ông được sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, là cháu ngoại của quan Thượng thư Nhữ Văn Lan dưới triều Lê Sơ, cha mẹ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đều là những người “văn tài học hạnh”. Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế, ông tiến hành hai khoa thi nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa đi thi, chỉ đến khi vua Mạc Đăng Doanh lên ngôi, cho thi hành một số chính sách tốt, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mới quyết định đi thi. Trải qua 3 kỳ thi là thi Hương, thi Hội và thi Đình, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đỗ đầu và dành được học vị cao quý là Trạng Nguyên, lúc ấy cụ 45 tuổi. Sau khi đỗ đạt, cụ được vua Mạc trọng dụng và bổ nhiệm những chức vụ quan trọng. Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan được 8 năm, sau khi hai vua Mạc qua đời, chúa nhỏ là Mạc Phúc Hải lên ngôi, triều đình bất ổn, gian thần thâu tóm triều chính, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ lên xin chém 18 loạn thần (trong bản án đó có cả thông gia và con rể của cụ) để trừ hại cho dân cho nước. Nhưng rất tiếc bản sớ đó không được vua Mạc chấp thuận và cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cáo quan trở về quê. Sau đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho xây cầu Chiều Xuân, dựng quán Am Bạch Vân để dạy học.
Cuộc đời làm quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông luôn coi phương châm xử thế lấy dân làm gốc. Hai câu thơ “…Cổ lai quốc dĩ dân vi bản/ Đắc quốc ưng tri tại đắc dân” trong bài Cảm Hứng của ông trở thành bài học kế thừa cho chúng ta đến nay.
Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm là người hội tụ những phẩm chất và đức hạnh cao cả của bậc minh triết. Những di sản, tư tưởng của ông được các triều đại phong kiến tôn vinh, được nhân dân sùng kính. Những câu nói của ông đúc kết của một trí tuệ cao minh, sự hiểu biết sâu rộng, thể hiện một tầm nhìn lớn lao vượt thời đại. Những dự đoán của ông đã mở ra tầm thế mới cho đất nước, cho dân tộc. Ảnh hưởng từ những giá trị di sản của ông trải qua thời gian, biến cố, thăng trầm của lịch sử vẫn có giá trị to lớn trong xã hội hiện đại.