PV: Thưa ông, với quyết tâm tạo bước đột phá trong quản lý TNMT biển, năm 2015, có thể nói là một năm gặt hái được nhiều thành công đối với với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam hay không?
Ông Nguyễn Thành Minh: Trước hết, có thể khẳng định, năm 2015, đúng là một năm ghi dấu ấn với nhiều kết quả đạt được trong quá trình quản lý và xây dựng văn bản pháp luật của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Một kết quả lớn nhất mà chúng tôi muốn nói tới là Luật TNMT biển và hải đảo Việt Nam đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2016. Song thành công này không phải “một sớm, một chiều” có được mà chính là kết quả của trình nỗ lực thực hiện quyết tâm chính trị trong thời gian dài trước đó.
Với sự ra đời của Luật TNMT biển và hải đảo đã củng cố vững chắc thêm vị trí quản lý TNMT biển và hải đảo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý biển từ đơn ngành riêng lẻ sang tổng hợp thống nhất, nhằm giảm xung đột giữa các ngành cùng khai thác biển, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển. Để chuẩn bị cho việc triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Tổng cục đã tổ chức xây dựng 9 văn bản hướng dẫn thi hành Luật này; đồng thời, Tổng cục đã tập trung chỉ đạo xây dựng để trình cấp có thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật thuộc chương trình chính thức và các văn bản thuộc Chương trình chuẩn bị. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành và bảo đảm tiến độ.
Tổng cục đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp quản lý Nhà nước giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Tài nguyên và Môi trường về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 2015, cũng là năm đầu tiên Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực thi nhiệm vụ thanh kiểm tra thực hiện pháp luật biển, hải đảo tại một số địa phương có biển như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Quảng Trị. Kết quả thu được từ những chuyến thanh kiểm tra trực tiếp tại địa phương sẽ là những tài liệu quan trọng để Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam hướng dẫn, góp ý và điều chỉnh các hoạt động quản lý thực sự hiệu quả hơn.
PV: Để “ra biển lớn”, thực hiện quản lý tổng hợp thống nhất biển, hải đảo không thể thiếu nguồn nhân lực và cơ sở vật chất nhất định nhằm kiểm soát, đánh giá và giám sát hoạt động này trên biển, vậy Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã và đang làm gì để nâng cao năng lực quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Minh: Con người và cơ sở vật chất đúng là hai nhân tố quyết định cho mọi hoạt động thực thi pháp luật. Đặc biệt đối với hoạt động quản lý biển và hải đảo phải thực hiện trên biển, việc bố trí nguồn nhân lực cụ thể và tăng cường cơ sở vật chất để kiểm soát và giám sát thực thi pháp luật trên biển lại càng trở nên quan trọng. Bởi vậy, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng để thực hiện. Đối với nguồn nhân lực tại cấp Trung ương, năm 2015 là năm đầu tiên Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai thực hiện theo Quyết định chức năng nhiệm vụ mới, Tổng cục đã làm tốt công tác nhân sự với việc tổ chức rà soát và bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các tổ chức trực thuộc Tổng cục giai đoạn 2016 - 2021; hoàn thiện và trình Bộ Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của Tổng cục; trình Bộ Tài nguyên và Môi trường Đề án tinh giản biên chế của Tổng cục năm 2015, năm 2016 và giai đoạn 2015 - 2021.
Đối với cấp địa phương, đã phối hợp, chỉ đạo thành lập 28 Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở TN&MT các địa phương có biển, đến nay, đã thành lập được 24 Chi cục và các tỉnh đã có bố trí nguồn nhân lực cụ thể để thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp, thống nhất biển, hải đảo.
Đối với việc đầu tư cơ sở vật chất, hiện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trình và phê duyệt dự án “Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên - môi trường biển và hải đảo” nhằm tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị điều tra tài nguyên và môi trường biển, hải đảo cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chi cục Biển và Hải đảo các tỉnh ven biển (đối với tỉnh chưa thành lập Chi cục, địa điểm đầu tư là các Sở Tài nguyên và Môi trường), mua sắm các thiết bị thiết yếu phục vụ công tác quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo, góp phần phát triển kinh tế biển “tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển” thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam.
Theo đó, các đơn vị thuộc Tổng cục và các Chi cục sẽ được đầu tư các trang thiết bị quan trọng như: Thiết bị trắc địa để thu tín hiệu vệ tinh phục vụ cho việc xác định vị trí điểm khảo sát đo đạc, thiết bị phục vụ đo đạc trắc địa địa hình liên quan mật thiết đến biển và các khảo sát khác; Thiết bị đo sâu hồi âm và phần mềm biên tập bản đồ, xử lý số liệu thủy âm để khảo sát độ sâu đáy biển, phân tích cột nước, phục vụ lập bản đồ địa hình nền đáy, khảo sát nền đáy biển và phần mềm biên tập bản đồ, xử lý số liệu thủy âm; Thiết bị lấy mẫu; Thiết bị hải văn, khí tượng, môi trường nhằm mục đích đo đạc các yếu tố vật lý - động lực biển, môi trường, sinh thái và khí tượng biển; Thiết bị ghi hình đáy biển; Thiết bị gia công, phân tích và lưu trữ tư liệu...
Cũng trong Dự án này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về nhiệm vụ, phương pháp điều tra, khảo sát tài nguyên và môi trường biển, hải đảo. Trong đó, kết hợp giữa tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn trong điều tra, khảo sát, phân tích đánh giá tài nguyên và môi trường biển với công tác lập báo cáo số liệu khảo sát, phân tích đánh giá, thống kê các cán bộ sử dụng thiết bị của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và 28 Chi cục Biển và Hải đảo các tỉnh ven biển.
PV: Bước sang năm mới và cũng là năm khởi đầu cho tiến trình hoạt động quản lý trên nền tảng pháp luật đã đưọc dày công xây dựng, để phát huy thành quả đã đạt được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm cho mình như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Minh: Có thể nói, những thành công của năm 2015 đã đặt nền móng vững chắc, đảm bảo cho những bước tiến mới của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong quá trình thực thi trách nhiệm quản lý tổng hợp, thống nhất biển, hải đảo Việt Nam. Để tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả đạt được, sớm đưa Luật TNMT biển và hải đảo vào thực tiễn quản lý, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xác định các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tập trung xây dựng, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch phục vụ quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương tới địa phương.
Đầu tư nâng cấp trang thiết bị chuyên ngành; đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học nhằm nâng cao chất lượng điều tra, quan trắc, dự báo về tài nguyên và môi trường biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; Đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác điều tra cơ bản biển và hải đảo; mở rộng điều tra tài nguyên, môi trường biển ở vùng biển sâu, biển xa, tại các hải đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; Tập trung đánh giá tiềm năng và hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên tại vùng biển, hải đảo, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạch định chính sách quản lý tổng hợp khai thác, sử dụng biển và hải đảo và đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Kim Liên (thực hiện)