Chiều ngày 24/12 Tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự án Điều tra đặc điểm địa chất, cấu trúc - địa động lực, hiện trạng môi trường và dự báo tai biến vùng biển Bình Thuận - Cà Mau (đến độ sâu 300m nước), tỷ lệ 1/500.000 (gọi tắt là Dự án điều tra tài nguyên biển Bình Thuận – Cà Mau). Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Thành viên Hội đồng thẩm định là các nhà khoa học, các cán bộ quản lý của các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tham gia Hội đồng còn có Ông Nguyễn Thành Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển cùng đại diện của Văn phòng 47, các vụ chức năng của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Thực hiện Quyết định số 1876/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục các nhiệm vụ, dự án giai đoạn 2013 - 2020 thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã giao Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển (trước đây là Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển) xây dựng Dự án.
Đại diện cho đơn vị xây dựng và thực hiện Dự án điều tra tài nguyên biển Bình Thuận - Cà Mau, Giám đốc Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển đã trình bày Thuyết minh Dự án trước Hội đồng thẩm định dự án.
Dự án được xây dựng trên cơ sở Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Bộ, Tổng cục và các Quy định kỹ thuật hiện hành. Nội dung của Dự án đáp ứng được những yêu cầu về công tác điều tra cơ bản quy định tại Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mới được Quốc Hội ban hành.
Mục tiêu chính của Dự án là: Có hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, có độ tin cậy cao về tài nguyên biển, các điều kiện tự nhiên chi phối tài nguyên biển, hiện trạng môi trường, tai biến tự nhiên của vùng biển Bình Thuận - Cà Mau đến độ sâu 300m nước nhằm:
-
Đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước tổng hợp về biển, hải đảo phục vụ các dự án: lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, bảo tồn biển; quản lý rủi ro và phân vùng ô nhiễm môi trường biển; xây dựng và củng cố các công trình biển gắn với an ninh quốc pḥòng và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông;
-
Đề xuất được giải pháp ứng phó theo các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển vùng biển, ven biển Bình Thuận - Cà Mau
Để đạt được các mục tiêu trên, Trung tâm đã xác định các nội dung công việc, các nhóm giải pháp thực hiện, các phương pháp tiến hành cụ thể và tổ chức thực hiện dự án theo quy định kỹ thuật hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng biển Bình Thuận - Cà Mau đến độ sâu 300m nước.
Trung tâm các đơn vị phối hợp trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường khai thác các trang thiết bị hiện có để triển khai thực hiện Dự án. Một số thiết bị sẽ được mua sắm bổ sung để tăng cường năng lực trang thiết bị, đảm bảo tính chủ động thực hiện điều tra trên vùng biển sâu, xa bờ. Tiếp cận và ứng dụng các phương pháp nghiên cứu mới về tài nguyên - môi trường biển của các nước tiên tiến.
Trên cơ sở thu thập, đánh giá kết quả các công trình nghiên cứu trước đây, đã đề xuất được các nội dung cần tiếp tục điều tra của Dự án. Các dạng công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển được thiết kế theo mạng lưới điều tra cơ bản tỷ lệ 1/500.000 phù hợp với phương cấu trúc của bể trầm tích và mạng lưới khảo sát của các dự án liền kề đã và đang thực hiện. Công tác điều tra được thực hiện theo nhóm công tác: nhóm công tác điều tra địa vật lý biển và trắc địa biển theo tuyến (định vị dẫn đường, đo sâu, đo từ biển, đo địa chấn nông, đo sonar quét sườn) và nhóm công tác điều tra tài nguyên môi trường biển theo các trạm mặt rộng (3 chuyền đề nghiên cứu môi trường, sinh thái biển; 9 chuyên đề nghiên cứu tài nguyên địa chất, cấu trúc – địa động lực, 3 chuyên đề nghiên cứu dự báo tai biến tự nhiên biển).
So với các dự án đã điều tra trước đây, trong Dự án này sẽ tiến hành một số dạng công việc mới là công tác khoan biển (dự kiến khoan 1500m khoan, độ sâu khoan trung bình từ đáy biển 100-150m) phục vụ phân chia địa tầng, thành phần vật chất và lịch sử tiến hóa của tầng phủ và biến đổi cổ khí hậu, môi trường trong giai đoạn từ băng hà cuối cùng (Last Glacial) đến hiện đại; công tác quan trắc tổng hợp phục vụ nghiên cứu hiện trạng môi trường biển, chế độ thủy động lực theo các mùa gió chính của vùng biển Bình Thuận – Cà Mau.
Sản phẩm của Dự án gồm:
-
Bộ bản đồ(22 bản đồ) và báo cáo thuyết minh (18 báo cáo chuyên đề), 01 báo cáo tổng kết dự án;
-
Các tài liệu nguyên thuỷ, số liệu phân tích;
-
Cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển, các điều kiện tự nhiên, tai biến tự nhiên vùng biển BT - CM được thành lập tuân theo Quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Tiến hành Dự án điều tra tài nguyên biển Bình Thuận - Cà Mau, chúng ta sẽ có được cơ sở dữ liệu cơ bản và thống nhất về biển có độ tin cậy cao, phục vụ hữu hiệu cho công tác quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo của Tổng cục Biển. Đồng thời cung cấp các dữ liệu điều tra, cơ sở khoa học để thực hiện Luật bảo vệ tài nguyên và môi trường biển sẽ được ban hành trong thời gian tới; các tư liệu khoa học thực tế về vùng biển sâu, xa bờ của Việt Nam phục vụ thiết kế xây dựng công trình biển; quy hoạch sử dụng biển; quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; quản lý và giám sát các hoạt động nhận chìm ở biển; quản lý rủi ro và phân vùng ô nhiễm môi trường biển; ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và phục hồi môi trường sau sự cố của các ngành và địa phương ven biển từ Bình Thuận đến Cà Mau. Mặt khác, thông qua thực hiện điều tra cơ bản sẽ góp phần bồi dưỡng, tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật về điều tra, nghiên cứu tài nguyên - môi trường biển để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết bị khảo sát chuyên dụng mà nhà nước đã đầu tư cho các đơn vị nghiên cứu khoa học phục vụ công tác điều tra tài nguyên - môi trường biển ở các vùng biển sâu của Việt Nam và các vùng biển quốc tế trong giai đoạn tiếp theo.
Các Uỷ viên Hội đồng đã đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể tác giả và Trung tâm đã xây dựng Dự án theo quy định, có chất lượng, có tính khả thi cao, nhất trí đề nghị thông qua dự án đã xây dựng để sớm triển khai thực hiện từ năm 2016.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước và Điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá hướng lồng ghép giải quyết các nội dung khoa học trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển với ứng phó biến đổi khí hậu là hoàn toàn đúng đắn, đem lại hiệu quả cao, giảm chi phí điều tra cơ bản do tiết kiệm được chi phí thuê tàu khảo sát. Mặt khác, yêu cầu Trung tâm cần xem xét đánh giá tính khả thi để bổ sung công tác đo carota lỗ khoan biển, hoàn thiện thuyết minh dự án để Bộ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.